in

Ẩn dụ là gì? Hoán dụ là gì?

Trong bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu 2 biện pháp tu từ Ẩn dụHoán dụ. Ẩn dụ là gì? Hoán dụ là gì? Có mấy kiểu ẩn dụ, hoán dụ? Phân biệt ẩn dụ với hoán dụ

Ẩn dụ là gì?

Theo khái niệm của SGK ngữ văn thì ẩn dụ là biện pháp tu từ gọi tên các sự vật, hoặc hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nhau có tác dụng nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm

Một cách hiểu nôm na, ẩn dụ là không gọi tên trực tiếp sự vật/sự việc A mà lại dùng một cách gọi B nào đó để gọi (B có nét tương đồng và liên tưởng tới A)

Có 4 kiểu ẩn dụ khác nhau

Ẩn dụ hình thức: Tương đồng về đặc điểm hình thức bên ngoài

Ví dụ:

Về thăm quê Bác làng Sen

Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng

=> Ẩn dụ hình thức về sự tương đồng giữa màu hồng của ngọn lửa với màu đỏ của hoa râm bụt

Ẩn dụ cách thức: Tương đồng về cách thức thực hiện

Ví dụ:

Uống nước nhớ nguồn – Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

=> Phép ẩn dụ trong câu nói này thể hiện:

  • Uống nước tương đồng với việc hưởng thành quả. Nhớ nguồn tương đương với lòng biết ơn, hành động trả ơn
  • Ăn quả tương đồng với việc hưởng lợi, hưởng thành quả. Trồng cây tương đồng với công lao của người đã làm ra thành quả

Ẩn dụ phẩm chất: Sự tương đồng về phẩm chất, tính cách bên trong

Ví dụ:

Người cha mái tóc bạc

Đốt lửa cho anh nằm

=> Hai câu thơ trong bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” sử dụng biện pháp ẩn dụ phẩm chất ở chỗ: Ví Bác Hồ như người cha vì Người đã giành trọn thanh xuân và cuộc đời mình cống hiến cho đất nước, dân tộc. Bác yêu thương nhân dân và người chiến sĩ và chăm lo giấc ngủ cho người chiến sĩ biên cương giống như tình cảm của người cha giành cho đứa con.

Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: Chuyển từ cảm giác này sang cảm giác khác hoặc từ cảm nhận của giác quan này sang cảm nhận của giác quan khác

Ví dụ:

Cô ấy có giọng nói thật ngọt ngào

=> Câu nói sử dụng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác khi chuyển từ thính giác (cảm giác nghe) sang vị giác (cảm nhận sự ngọt ngào bằng miệng)

Hoán dụ là gì?

Hoán dụ là biện pháp dùng tên gọi của một cái bộ phận để chi cho toàn thể. Tức là gọi tên sự vật/hiện tượng này bằng một tên sự vật/hiện tượng khác có quan hệ gần gũi với nhau để tăng sức gợi hình và gợi cảm trong diễn đạt

Có 4 kiểu hoán dụ

Lấy 1 bộ phận để chỉ toàn thể

Ví dụ:

Bàn tay ta làm nên tất cả

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm

=> Dùng hình ảnh “bàn tay” để chỉ sức lao động của một con người

Lấy vật chứa đựng để chỉ vật bị chứa đựng

Ví dụ:

Cô gái xinh đẹp bước vào khiến cả phòng chú ý

=> Phép hoán dụ thể hiện ở chỗ: Lấy hình ảnh vật chứa đựng là “cả phòng” để chỉ vật bị chứa đựng là “những người ngồi trong phòng”

Lấy dấu hiệu của sự vật để chỉ sự vật

Ví dụ:

Sen tàn, cúc lại nở hoa

Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân

=> Phép hoán dụ sủ dụng hình ảnh “Sen” để chỉ mùa hạ và hình ảnh “Cúc” để chỉ mùa thu

Lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng

Ví dụ:

Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại lên hòn núi cao

=> Biện pháp hóa dụ sử dụng hình ảnh “một cây” để chỉ sự đơn lẻ, không đoàn kết.”Ba cây” để chỉ sự đoán kết, đồng tâm hiệp lực

So sánh 2 biện pháp tu từ Ẩn dụ với Hoán dụ

Giống nhau

  • Cùng là sự chuyển đổi tên gọi, gọi sự vật/hiện tượng này bằng tên sự vật/hiện tượng khác
  • Đều dựa trên quy luật liên tưởng
  • Tác dụng của 2 biện pháp này đều nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho lời văn, lời nói

Khác nhau ở cơ sở liên tưởng của Ẩn dụ và Hoán dụ

Ẩn dụ dựa vào sự liên tưởng tương đồng: Tức là mặc dù sự vật/hiện tượng A và B không liên quan tới nhau nhưng giữa chúng có nét gì đó tương đồng nên có thể dùng A để gọi B

Ví dụ:

Thuyền về có nhớ bên chăng?

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền

=> Câu thơ sử dụng hình ảnh “thuyền” để chỉ người con trai (đi xa) còn hình ảnh “bến” để chỉ người con gái (chờ đợi, mong ngóng)

Hoán dụ dựa vào sự liên tưởng gần gũi: Tức là 2 sự vật/hiện tượng A và B có mối quan hệ gần kề, liên quan tới nhau

Ví dụ:

Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh

=> Hình ảnh “đầu bạc” chỉ người lớn tuổi (cha mẹ, ông bà) còn hình ảnh “đầu xanh” chỉ người trẻ tuổi (con, cháu)

Trên đây là bài viết giải đáp chi tiết cho bạn đọc về Ẩn dụ & Hoán dụ là gì? Các kiểu Ẩn dụ & Hoán dụ? Đồng thời so sánh điểm giống và khác nhau giữa 2 biện pháp tu từ này. Nếu có đóng góp gì, đừng ngần ngại comment bên dưới nhé.

Rate this post

AM và PM là gì? – 12h trưa là AM hay PM?

An Nhiên là gì? An Nhiên trong cuộc sống – Ý nghĩa cái tên An Nhiên