Cám ơn hay Cảm ơn – Từ nào đúng chính tả? Từ nào sai?
Trong cách nói và cách viết của người Việt hiện nay thường bị lẫn lộn 2 từ này. Một số cho rằng Cám ơn và Cảm ơn có ý nghĩa tương tự nhau và dùng như nhau. Đó là sai lầm trong cách sử dụng Tiếng Việt. Cám ơn hay cảm ơn – Từ nào mới đúng chính tả? Cách sử dụng chúng trong văn nói và văn viết như thế nào cho chính xác nhất? Mời các bạn theo dõi bài phân tích ngắn gọn sau đây.
Xét về yếu tố sắc thái, thanh điệu
Về cơ bản, cám ơn và cảm ơn đều bày tỏ sự cảm kích ân huệ, cảm kích sự giúp đỡ của người khác.
Xét về yếu tố thanh điệu, “cám ơn” có thanh âm cao hơn “cảm ơn”, tức là khi nói “cám ơn” người nói sẽ lên giọng. Khi bày tỏ sự cảm kích người khác mà lại lên giọng thì quả thực là xấc xược, kiêu ngạo không phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc ta. Cảm ơn mang âm sắc trầm hơn thể hiện lòng biết ơn với với người giúp đỡ mình.
Xét về yếu tố nguồn gốc
“Cảm ơn” trong tiếng Việt xuất phát từ “Cảm ân” trong tiếng Hán mang ý nghĩa là sự cảm kích ân huệ
Động từ “Cảm” mang ý nghĩa biểu thị sự biết ơn, mang ơn. Danh từ “ơn” (ân) nghĩa là ân huệ
Trong tiếng Việt và tiếng Hán vốn không có từ “Cám ơn” bởi:
Trong tiếng Hán, động từ “Cám” nghĩa là ban cho, tặng cho. Tính từ “Cám” chỉ màu đỏ tím. Vậy nên không thể kết hợp từ “cám” với từ “ơn” hoặc “ân” thành cụm từ có nghĩa được.
Cám ơn và cảm ơn trong văn nói
Do yếu tố thanh điệu và thói quen phát âm của từng vùng miền mà việc sử dụng “Cám ơn” hay “Cảm ơn” không quá quan trọng trong văn nói. Vì người nghe đều hiểu rằng cả 2 đều thể hiện sự cảm kích, cảm động trước cái ơn / ân huệ của người khác.
Cám ơn và cảm ơn trong văn viết
Như đã phân tích ở trên, trong từ điển tiếng Việt và cả trong các tác phẩm văn học. Từ “Cảm ơn” vẫn được thừa nhận hơn so với “Cám ơn”.
Có ý kiến cho rằng, người miền Bắc thường dùng “Cảm ơn” còn người miền Nam dùng “ Cám ơn”. Ý kiến này không sai dường như nó chỉ đúng trong văn nói.
Nhà văn Hồ Biểu Chánh – một nhà văn với giọng văn “đặc Nam Bộ” trong tiểu thuyết Bỏ vợ của mình xuất bản năm 1938 vẫn sử dụng “Cảm ơn” thay vì “Cám ơn”. Đoạn trích như sau: “Bà chủ đáng cha mẹ, bà có lòng thương tôi nên xuống thăm, thì tôi đã cảm ơn lắm rồi, mà bà còn đi lễ vật nữa, thiệt tôi ái ngại hết sức”
Điều này chứng tỏ rằng trong các tác phẩm văn học có tính chuyên môn thì từ “Cảm ơn” vẫn được coi là chuẩn hơn. Thêm vào đó có thể giả thiết rằng cho tới đầu thế kỷ XX người miền Nam vẫn sử dụng “Cảm ơn” chứ không phải “Cám ơn”.
Trong các văn bản mang tính chính quy, chính thống người ta vẫn sử dụng “Cảm ơn” là từ chuẩn. Cả về quy tắc và sắc thái thì cảm ơn vẫn được đông đảo mọi người chấp nhận hơn.
Kết luận
Cám ơn hay Cảm ơn mới là đúng chính tả?
Câu trả lời: Cảm ơn là đúng chính tả